Diễn biến Chiến_dịch_giải_phóng_Bulgaria

Quân đội Liên Xô tiến vào Bulgaria

Ngày 5 tháng 9 năm 1944, Chính phủ Liên Xô ra công hàm gửi Chính phủ Bulgaria của thủ tướng K. V. Muraviev, nêu rõ:

Chính phủ Liên Xô chỉ có thể coi chính sách hiện hành của Bulgaria là thực sự đứng về phe Đức Quốc xã tiến hành chiến tranh chống lại Liên Xô, bất chấp tình hình quân sự của nước Đức về cơ bản đã xấu hẳn đi, bất chấp Bulgaria lúc này hoàn toàn có thể cắt đứt liên hệ với nước Đức, cứu đất nước mình khỏi họa diệt vong.
— Thay mặt Hội đồng Chính phủ Liên Xô, Dân ủy ngoại giao: V. M. Molotov.[11]

Tình hình chính trị của Bulgaria nhanh chóng nóng lên. Ngày 6 tháng 9, chính phủ Muraviev đã ra lệnh đặt các chính đảng thuộc khối dân chủ của Mặt trận Tổ Quốc Bulgaria ra khỏi vòng pháp luật. Trước đó, do tình hình chiến sự cho thấy chắc chắn Hồng quân sẽ tiến vào Bulgaria, ngày 26 tháng 8 năm 1944, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Bulgaria và Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Bulgaria đã quyết định chuẩn bị khởi nghĩa ở thủ đô Sofia và các vùng có quân du kích chống phát xít hoạt động trên toàn lãnh thổ Bulgaria.[12]

Việc Liên Xô tiến quân vào Bulgaria chỉ là chuyện một sớm một chiều. Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô (STAVKA) đã ra mệnh lệnh yêu cầu Phương diện quân Ukraina 3 và Hạm đội Biển Đen phải tấn công Bulgaria vào ngày 8 tháng 9 và đến ngày 12 tháng 9 phải tiến tới tuyến Russa Palatitsa (???), Karnobat, Burgas và củng cố hậu phương mặt trận với sự phối hợp của các liên đoàn du kích Bulgaria. Mục tiêu chính của Phương diện quân Ukraina 3 sau khi giải phóng Bulraria là mở các chiến dịch phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Nam Tư giải phóng lãnh thổ Nam Tư, sau đó quay lại phối hợp với Phương diện quân Ukraina 2 tấn công vào Hungary, Áo và tiếp cận biên giới Đông Nam nước Đức Quốc xã.[13]

Ngày 7 tháng 9, chính phủ Bulgaria của thủ tướng Muraviev ra tuyên bố rút lại đạo luật đặt các lực lượng dân chủ ra ngoài vòng pháp luật. Phái viên của thủ tướng K. V. Muraviev đã gặp đại diện của Phương diện quân Ukraina 3 đề nghị chuyển tới chính phủ Liên Xô biết việc Bulgaria đã thông báo cho phía Đức về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao Bulgaria - Đức và xin điều đình với Liên Xô. Sau khi hỏi ý kiến của G. M. Dimitrov, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô lệnh cho Phương diện quân Ukraina 3 hạn chế chiều sâu tiến công tại tuyến Dzhurdzhu (Drurdzu hoặc Giurgiu) - Razhgrad (Ragrad) - Shumen - Dyngopol (Dalgopol)và bờ Bắc sông Luda-Kamchiya cho đến khi Bulgaria thu xếp xong tình hình chính trị trong nước. Tuy nhiên, Chính phủ Liên Xô cũng nói rõ rằng Phương diện quân Ukraina 3 sẽ triển khai đến tuyến biên giới Bulgaria - Nam Tư vì ở Nam Tư, quân Đức đang tập trung lực lượng để tấn công chiếm thủ đô Sofia và quân đội Liên Xô không những chỉ có nhiệm vụ bảo vệ Bulgaria khỏi cuộc tấn công của quân đội Đức Quốc xã mà còn có nhiệm vụ tiếp tục giải phóng Nam Tư và Hungary.[4]

Trước khi tiến quân, ngày 7 tháng 9, Nguyên soái F. I. Tolbukhin, tư lệnh Phương diện quân Ukraina 3 đã ra bản thông điệp gửi các sĩ quan, binh sĩ và nhân dân Bulgaria, được tuyên đọc trên Đài phát thanh Moskva, các đài truyền thanh của mặt trận và các điện đài thu-phát của quân đội Liên Xô có được làn sóng của các điện đài thu-phát của quân đội Bulgaria. Các máy bay Liên Xô cũng rải truyền đơn in bức thông điệp này đến các vị trí đóng quân của quân đội Bulgaria. Thông điệp viết:

Ngày 7 tháng 8 năm 1944Gửi nhân dân Bulgaria anh em và quân đội Bulgaria. Hồng quân Liên Xô không có ý định chiến đấu với quân đội và những người dân Bulgaria anh em. Hồng quân Liên Xô có nhiệm vụ để đánh bại nước Đức Quốc xã để đem lại hòa bình cho toàn thế giới.Điều cần thiết phải làm trong lúc này là Chính phủ Bulgaria phải chấm dứt sự phụ thuộc nào người Đức, cắt đứt ngay lập tức các quan hệ với nước Đức Quốc xã và gia nhập liên minh các quốc gia dân chủ.Hồng quân đang truy tìm các sĩ quan và binh sĩ Đức đang ẩn nấp và lẩn trốn tại Bulgaria. Họ sẽ bị quân đội Xô Viết bắt làm tù binh ngay khi tìm thấy.Hồng quân Liên Xô cũng truy tìm tất cả các tàu biển của Đức để lại các cảng phía bắc của Bulgaria và nếu ai chiếm được sẽ phải chuyển giao ngay lập tức cho Liên Xô. Nếu các chỉ huy trên các tàu đó chống lại, Hải quân Liên Xô có đủ lực lượng và phương tiện để loại họ ra khỏi vòng chiến đấu.Việc thực thi các điều khoản trong thông điệp này có thể sẽ đưa đến việc chấm dứt tình trạng chiến tranh và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.
— Tư lệnh Phương diện quân Ukraina 3: Nguyên soái F. I. Tolbukhin.[13]

Ngày 8 tháng 9 năm 1944, Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 vượt biên giới Romania - Bulgaria (biên giới năm 1940) tại cửa khẩu Dobromir-Dyal (???) và Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 tiến quân qua cửa khẩu Negru-Bode (Negru Voda). Các cuộc tiến quân diễn ra hết sức thuận lợi và gần như không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào từ quân đội Bulgaria cũng như người dân địa phương. Viên chỉ huy đồn biên phòng Dobromir-Dyal của Bulgaria nói: "Chúng tôi tự nguyện đầu hàng. Chúng tôi không muốn đánh nhau với Hồng quân Nga anh em. Ngược lại, chúng tôi mong những người anh em đến giải phóng đất nước tôi". Tuy nhiên, các chiến sĩ của Lữ đoàn xe tăng 57 đã không bắt họ làm tù binh. Họ được tướng F. G. Katkov nói rõ rằng Hồng quân chỉ tấn công quân Đức và khuyên họ nên tiếp tục bảo vệ vị trí đồng thời bắt liên lạc ngay với các đội du kích chống phát xít Bulgaria trong vùng để được trợ giúp.[14]

Trên các hướng tiến quân khác, quân đội Liên Xô không gặp phải sức kháng cự nào từ phía quân đội Bulgaria. Các đội bảo vệ của Đức Quốc xã thì đơn giản hơn là đã bỏ chạy sang phía Tây trước khi quân đội Liên Xô kéo đến. Ở khắp các vùng Ruse, Pazgrad, Shumen, Dobrich, người dân Bulgaria đem bánh mỳ và muối ra đường chào đón quân đội Liên Xô tiến vào Bulgaria. Chỉ huy đồn biên phòng Negru-Bode, thiếu tá Pyotr Dimov tuyên bố: "Liên Xô - Bulgaria muôn năm ! Đả đảo chủ nghĩa phát xít! Tình hữu nghị anh em với nhân dân Nga đời đời bền vững."[15] Các chi đội du kích Bulgaria hoạt động trong các địa bàn tiến quân của quân đội Liên Xô đều chủ động bắt liên lạc với các chỉ huy Hồng quân và thiết lập chính quyền của Mặt trận Tổ Quốc Bulgaria tại các vùng mới giải phóng.[16]

Ngay trong ngày 9 tháng 9, Phương diện quân Ukraina 3 đã tiếp cận những mục tiêu đề ra trong kế hoạch. Trong thời gian này, Hạm đội Biển Đen cũng tiến vào các hải cảng Varna và Burgas. Hải quân Bulgaria hầu như không chống cự, còn hải quân Đức theo lệnh của Bộ chỉ huy tối cao Đức Quốc xã đã tự đánh chìm các hạm tàu của họ. Các thủy binh Đức bị quân đội Liên Xô bắt sống. Trong khi đó, tại thủ đô Sofia, Đảng Cộng sản Bulgaria đã tiến hành khởi nghĩa và bắt giam hết tất cả các quan chức thân Đức trong chính phủ Bulgaria. Trước tình hình chuyển biến nhanh chóng như trên, chiều ngày 9 tháng 9 Đại bản doanh hạ lệnh cho Phương diện quân Ukraina 3 và Hạm đội Biển Đen ngừng toàn bộ các cuộc tấn công, chuyển sang phòng ngự chờ lệnh mới.[4]

Các hoạt động quân sự của du kích Bulgary

Trong khi quân đội Liên Xô dừng các hoạt động tấn công quân sự và chỉ tiến hành các cuộc chuyển quân sang phía Tây Bulgaria thì các liên đoàn du kích Bulgaria dưới sự lãnh đạo của Đảng Công nhân Bulgaria (cộng sản) đã đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trong trên khắp đất nước Bulgaria và ở một số nơi đã thiết lập chính quyền mới ngay trước khi quân đội Liên Xô tiến đến.

Ngày 7 tháng 9, Liên đoàn 9 hoạt động tại tỉnh Shumen đã đánh chiếm thành phố Shumen và các thị trấn Tyrgovitse, Popvo. Ngày 8 tháng 9, Liên đoàn 10 hoạt động tại khu vực thành phố Varna đã phối hợp với Sư đoàn đổ bộ đường không 10 (Liên Xô), Lữ đoàn cơ giới cận vệ 15 thuộc Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 và Hải quân đánh bộ của Hạm đội Biển Đen đánh chiếm thành phố cảng Varna, gọi hàng hơn 800 sĩ quan và bình sĩ Hải quân Bulgari trên 12 hạm tàu của hải quân Bulgaria đang neo đậu tại cảng này. Hạm đội Đức Quốc xã tại Biển Đen vĩnh viễn chấm dứt sự tồn tại. Ba tàu của Thổ Nhĩ Kỳ bị hải quân Đức bắt giữ tại cảng Varna đã được trả cho chủ nhân của nó.[17]

Cũng trong ngày 8 tháng 9, Liên đoàn 8 hoạt động tại tỉnh Gorno-Oryakhovski (Gorna Oryahovitsa) đã đánh chiếm thành phố Gorno-Oryakhovski, nhà ga đầu mối Tyrnovo và các thị trấn Gabrovo, Dryanovo, Elena, Sevlyevo, cắt đứt tuyến đường sắt từ Varna đi Sofia, bắt giữ nhiều đoàn tàu chở hàng hóa quân sự Đức đang từ Varna đi Sofia và Nam Tư tại các nhà ga Tyrnovo và Gorno-Oryakhovski. Phối hợp với Liên đoàn 8, Liên đoàn 11 hoạt động tại tỉnh Pleven cũng đánh chiếm thành phố Pleven và các thị trấn Pavlikeni, Lovech và Lukovitsa.

Ngày 9 tháng 9, Tập đoàn quân 37, hải quân đánh bộ của Hạm đội Biển Đen và quân của Liên đoàn du kích 6 hoạt động tại khu vực Yambol cùng tiến vào giải phóng thành phố cảng Burgas. Trong khi dân cư địa phương đem nho và táo ra thết đãi và tặng hoa các du kích quân Bulgaria cùng các chiến binh Liên Xô thì hải quân Đức đã cho nổ mìn đánh chìm các tàu chiến Đức đang neo đậu tai cảng. Các thủy binh Đức theo đường rừng bỏ trốn sang phía Tây nhưng chỉ đến Yambol, họ đã bị các chi đội du kích "Tổ quốc trên hết" và "Pyotr Momchilov" phối hợp với Lữ đoàn cơ giới cận vệ 13 (Quân đoàn cơ giới cận vệ 4) bao vây và bắt sống. Số tàn quân còn lại chạy về Staro-Zagorsk (Staro Zagora) cũng bị Liên đoàn 5 du kích Bulgaria tóm gọn.[18]

Ở miền Nam Bulgaria, từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 9, thực hiện Chỉ thị ngày 26 tháng 8 của Mặt trận Tổ quốc Bulgaria về Tổng khởi nghĩa, Liên đoàn 2 hoạt động tại thành phố Plovdiv, Liên đoàn 7 hoạt động tại tỉnh Khashkovo và Liên đoàn 4 hoạt động tại tỉnh Gorno-Dzhymaska cũng thực hiện nhiều trận tấn công vào các đơn vị quân Đức và quân chính phủ Bulgaria, đánh chiếm các thành phố Plovdiv, Gorno-Dzhymaska (???), Khashkovo (Haskovo), giải phóng hơn 30 khu dân cư. Tại thủ đô Sofia, Liên đoàn 1 bắt đầu các hoạt động tấn công trong thành phố, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như tòa thị chính, đài phát thanh, trụ sở chính phủ, nhà ga trung tâm, nhà bưu điện trung tâm, góp phần quan trọng vào thành công của Cuộc khởi nghĩa tháng 9 năm 1944 tại Sofia.[16]

Chính phủ Bulgary thân Đức lâm vào khủng hoảng

Tháng 6 năm 1944, Georgy Dimitrov, Tổng bí thư Đảng Công nhân Bulgaria (cộng sản) đã có bài phát biểu được truyền qua Thông tấn xã "Khristo Botev" (Cơ quan thông tấn của Mặt trận Tổ quốc Bụlgarya). Trong bản tuyên bố này, ông cảnh báo:

Chính phủ thân phát xít của Bulrgarya đại biểu cho quyền lợi của Hitler và tay chân của phát xít Đức tại Bulgary đang tiếp tục lừa dối nhân dân Bulgaria. Nhưng chính phủ ấy làm sao có thể hành động để cho "những con sói thì no nê mà đàn cừu thì vẫn không bị sây sát được" ? Tình hình quốc tế, trong nước và tinh thần của nhân dân Bulgaria báo trước một tương lai không mấy tốt lành cho cả Bagryanov lẫn Hitler khi chính phủ thân phát xít ở Bulgaria đã đẩy đất nước rơi vào vực thẳm của thảm họa
— Georgy Dimitrov.[19]

Tuy nhiên, lời cảnh báo này vẫn không được chính phủ của I. I.Bagryanov quan tâm. Một mặt, I. I. Bagryanov tiếp tục thi hành chính sách dàn áp đối với tất cả các lực lượng chống phát xít ở Bulgaria. Mặt khác, ông này cử một số đại biểu của chính phủ mình vượt biên giới sang Hy Lạp, tìm gặp các đại diện của quân đồng minh Anh - Mỹ để đề nghị họ tiến quân vào Bulgaria trước quân đội Liên Xô. I. I. Bagryanov hy vọng quân đội Liên Xô sẽ không tiến vào Bulgaria do Liên Xô chưa tuyên chiến với Bulgaria mặc dù Sa hoàng Boris đã tuyên chiến với Liên Xô từ năm 1943. Chính phủ Bulgaria tiếp tục cho gần 20 sư đoàn quân Đức đóng ở biên giới phía Tây trên phần đất của Macedonia mà Bulgaria được Hitler "tặng" tại Quyết định Viên lần thứ hai. Mấy chục đoàn tàu hỏa của Bulgaria được quân Đức trưng dụng vẫn qua lại trên khắp các ngả đường của Bulgaria để chở quân cho mặt trận Iaşi-Chişinău. Tuy nhiên, đến khi quân đội Liên Xô giành được chiến thắng tại Chiến dịch Iaşi-Chişinău, một chiến thắng quyết định đối với số phận của bán đảo Balkan thì Chính phủ Bagyanov bắt đầu cảm thấy "mặt đất dưới chân đã rung chuyển".[20]

Ngày 26 tháng 8, ba ngày sau khi cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1944 ở Romania đã đưa nước này đứng về phe đồng minh chống phát xít, Mặt trận Tổ quốc Bulgaria đã ra chỉ thị gửi Bộ Tổng tham mưu các lực lượng du kích Bulgaria yêu cầu đoàn kết tất cả các lực lượng trong nước xung quanh Ủy ban giải phóng dân tộc của Mặt trận Tổ Quốc, tước vũ khí của các đơn vị quân Đức và lực luwojng Gestapo, thủ tiêu mọi hành động chống lại Hồng quân và chuẩn bị thành lập chính phủ của Mặt trận Tổ quốc. Thế những, I. I. Bagryanov vẫn nuôi ảo tưởng rằng cho đến phút cuối cùng, nước Đức sẽ cho quân chiếm đóng Bulgaria hoặc quân đồng minh Anh - Mỹ sẽ tiến vào Bulgaria. Ngày 30 tháng 8, Chính phủ Liên Xô tiếp tục ra công hàm cảnh cáo chính phủ Bagryanov về việc họ vẫn tiếp tục bám giữ chính sách theo đuôi nước Đức Quốc xã. Một số thành viên trong chính phủ Bagryanov bắt đầu dao động. Họ yêu cầu I. I. Bagryanov phải "nói chuyện" với Liên Xô vì theo họ thì "nước xa (chỉ đồng minh Anh-Mỹ) không thể chữa được lửa gần". Bị mắc kẹp giữa "hai làn đạn", ngày 30 tháng 8, I. I. Bagryanov tuyên bố giải tán nội các và từ chức. Trong hai ngày sau đó, nước Bulgaria không có chính phủ.[21]

Ngày 2 tháng 9 năm 1944, Vua Bulgaria Simeon I ủy nhiệm cho Konstantin Muraviev, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và quản lý công sản Bulgaria (1932-1934) lập nội các mới và giữ chức thủ tướng. Việc làm đầu tiên của Chính phủ Konstantin Muraviev là ra các tuyên bố về khôi phục quyền tự do dân chủ của nhân dân Bulgaria, về ân xã cho tất cả những người đã bị bắt và giam giữ vì chống phát xít. Ông này cũng tuyên bố giải tán các tổ chức phát xít và thân phát xít ở Bulgaria, tước vũ khí của quân Đức đi qua Bulgaria hoặc đóng quân ở Bulgaria. Konstantin Muraviev còn hứa sẽ xúc tiến đàm phán với Anh, Mỹ và thiết lập lại quan hệ tin cậy với người Nga. Tuy nhiên, còn một điều quan trọng nhất là hủy bỏ việc tuyên chiến với Liên Xô cho dù lời tuyên chiến đó chỉ là hình thức thì Konstantin Muraviev không hề nhắc đến[22]

Ngày 5 tháng 9, Bộ Dân ủy ngoại giao Liên Xô triệu tập Đại sứ Bulgaria tại Moskva đến để trao công hàm về việc Liên Xô tuyên chiến với Bulgrya do Chính phủ nước này đang thi hành các chính sách chống lại quân đội Liên Xô. Kèm theo bức công hàm là một phụ lục dài (bao gồm cả ảnh và văn bản) về các chứng cứ cho thấy Bulgaria vẫn đang cung cấp các dịch vụ cảng biển cho các tàu nổi và tàu ngầm Đức uy hiếp và pháo kích vào các đơn vị của Tập đoàn quân 37 (Liên Xô) đang đóng quân từ cảng Konstanta đến Manglya (Mangalia); Bulgaria đang chứa chấp hàng chục nghìn lính Đức thất trận ở Romania chạy qua; tàu hỏa của Bulgary và tàu hỏa của Đức đang chở nhiều sư đoàn Đức từ Hy Lạp chạy qua Nam Tư, sang phía Tây Romania và Hungary. Bộ máy Gestapo tại Bulgaria vẫn cộng tác chặt chẽ với cơ quan mật thám Bulgaria tiếp tục tàn sát những người yêu nước Bulgaria. Trước chính sách quanh co của Chính phủ Muravyev dẫn đến việc Liên Xô tuyên chiến, ngày 6 tháng 9, tại Thủ đô Sofia đã nổ ra cuộc đình công lớn của tất cả công nhân trong thành phố do Mặt trận Tổ Quốc Bulgaria. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên tất cả các đường phố lớn của Sofia đòi chính phủ Muravyev phải từ chức. Von Berkeler, đại sứ Đức tại Sofia yêu cầu Konstantin Muraviev phải ban hành tình trạng thiết quân luật và lập lại trật tự ở Sofia trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, không một cảnh sát Bulgrya nào dám bắn vào những người biểu tình. Mật thám Gestapo đã tiến hành một số vụ ám sát những người lãnh đạo cuộc biểu tình đang diễn thuyết trước đám đông người dân Bulgaria. Hàng động đổ dầu vào lửa đó đã làm cho những người biểu tình càng thêm kiên quyết. Cuộc biểu tình và đình công ngày 6 tháng 9 ở Sofia đã châm ngòi cho cuộc Cách mạng tháng 9 năm 1944 ở Bulgaria.[4]

Trước sức ép của nhân dân, ngày 8 tháng 9, Konstantin Muraviev buộc phải lên đài phát thanh tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với nước Đức Quốc xã, bãi bỏ tình trạng chiến tranh với Liên Xô và tuyên chiến với nước Đức Quốc xã. Tuy nhiên, tất cả đều đã quá muộn đối với chính phủ của Muravyev. Đêm ngày 8 rạng ngày 9 tháng 9, cuộc khởi nghĩa của các lực lượng yêu nước đã nổ ra trên toàn lãnh thổ Bulgaria và thủ đô Sofia.

Khởi nghĩa ngày 9 tháng 9 ở Sofia

Kimon Georgyev, Thủ tướng đầu tiên của nền Cộng hòa Bulgaria thứ baGeorgy Dimitrov, Tổng bí thư Đảng Công nhân Bulgaria (k), một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc khởi nghĩa ngày 9 tháng 9 năm 1944 tại Bulgaria

Ngay sau khi Liên Xô tuyên chiến với Bulgaria, ngày 6 tháng 9, cùng với việc phát động bãi công và biểu tình tại thủ đô Sofia, Ủy ban trung ương Đảng Công nhân (cộng sản) Bulgaria đã họp phiên bất thường mở rộng đến tất cả các lãnh đạo của Mặt trận Tổ Quốc Bulgaria và thông qua Nghị quyết về tiến hành tổng khởi nghĩa theo tinh thần Nghị quyết chuẩn bị tổng khởi nghĩa ngày 26 tháng 8. Về đấu tranh chính trị, họ quyết định sẽ mở rộng cuộc bãi công và biểu tình ở Sofia ra tất cả các thành phố lớn ở Bulgaria trong đó, trọng điểm là các thành phố Plovdiv, Tyrnovo (???), Vidin, Pleven, Vrattsa (Vratsa), Khaskovo và Gorna-Dzhumaya. Về đấu tranh vũ trang, các liên đoàn du kích có nhiệm vụ chặn đánh tất cả các đơn vị Đức và Bulgaria kéo đến đàn áp biểu tình, đồng thời đánh chiếm các mục tiêu chính trị, quân sự và kinh tế quan trọng trong các thành phố gồm các tòa thị chính, doanh trại quân đội, nhà ga, bến tàu, các kho hàng, tước vũ khí của các đơn vị hiến binh Bulgaria. Hội nghị cũng chuẩn bị sẵn một nội các mới để thay thế nội các của Konstantin Muraviev. Do Georgy Dimitrov lúc này đang ở Liên Xô để chuẩn bị đàm phán với I. V. Stalin về việc Bulgaria sẽ cho quân đội Liên Xô mượn đường qua lãnh thổ Bulgaria để tấn công quân Đức ở Nam Tư và Tây Romania nên hội nghị cũng bầu ra Ban lãnh đạo trong nước của khởi nghĩa gồm Todor Zhivkov, Stanko Todorov, Vladimir Bonev, Ivan Bonev. Thiếu tướng Ivan Krystev Marinov, Bộ trưởng Bộ chiến tranh của chính phủ Muraviev, một người ngả theo phe cách mạng được giao phụ trách các vấn đề quân sự ở miền Nam Bulgaria dưới sự giám sát của Dimityr Ganev, Uỷ viên Bộ chính trị BRP(k). Tư lệnh Phương diện quân Ukraina 3, nguyên soái F. I. Tolbukhin, tư lệnh Tập đoàn quân 37, trung tướng M. N. Sharokhin, tư lệnh Tập đoàn quân 57, trung tướng N. A. Gagen đều được thông báo trước về kế hoạch các hoạt động khởi nghĩa và sẵn sàng phối hợp khi cần thiết.[11]

Một ngày sau khi quân đội Liên Xô tiến vào Bulgaria, Cuộc khởi nghĩa tháng 9 bùng nổ. Tại Sofia, Liên đoàn 1 du kích Bulgaria do Dobry Terpeshev đã bí mật rời dãy núi Vitosa đột nhập vào thành phố từ nửa đêm. Rạng sáng ngày 9 tháng 9, quân khởi nghĩa và người dân Sofia đã đánh chiếm phủ thủ tướng, trụ sở Bộ Chiến tranh, trụ sở Bộ Nội vụ, Đài phát thanh, Bưu điện trung tâm, Nhà máy điện, Nhà ga trung tâm Sofia, Sở cảnh sát Sofia, doanh trại hiến binh khu vực Sofia và nhiều mục tiêu quan trọng khác. Thủ tướng Bulgaria là Konstantin Muravyev và toàn bộ Chính phủ Bulgaria bị quân khởi nghĩa bắt giữ. 6 giờ 25 phút sáng ngày 9 tháng 9, Kimon Georgyev, Thủ tướng mới của Bulgaria lên đài phát thanh tuyên bố Chính phủ của Konstantin Muravyev chấm dứt hoạt động. Quốc hội Bulgaria đã bị giải tán. Mặt trận Tổ Quốc Bulgaria đã lập ra chính phủ mới gồm các thành viên sau đây:[23]

  • Thủ tướng: Kimon Georgyev, (Đảng trung dung), nguyên thủ tướng Bulgaria 1934-1935
  • Bộ trưởng không bộ: Dobry Terpeshev, (BRP (k)) và Nikola Petkov, (Liên minh các điền chủ)
  • Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Tôn giáo: Petko Staynov, (Đảng trung dung)
  • Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Anton Yugov, (BRP (k))
  • Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Giáo sư Stancho Cholakov, (Đảng trung dung).
  • Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Tiến sĩ Mincho Neychev, (BRP (k))
  • Bộ trưởng Bộ Tài chính: Petko Stoyanov (không đảng phái).
  • Bộ trưởng Bộ Chiến tranh: Thượng tướng Damian Velchev (Đảng trung dung)
  • Bộ trưởng Bộ Công thương và lao động: Dimitar Neykov (Đảng Dân chủ xã hội)
  • Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và quản lý công sản: Asen Pavlov (Liên minh các điền chủ)
  • Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính: Boris Bumbarov (Liên minh các điền chủ)
  • Bộ trưởng Bộ Đường sắt, bưu chính và điện báo: Angel Darzhanski (Liên minh các điền chủ)
  • Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiến sĩ Racho Angelov (BRP(k))
  • Bộ trưởng Bộ Các vấn đề xã hội: Gregory Cheshmedjiev (Đảng Dân chủ xã hội).
  • Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền: Dimo Kazasov (không đảng phái).
  • Tổng tư lệnh quân đội: Thiếu tướng Ivan Marinov (không đảng phái).

Ngoài ra còn có ba thành viên không phải là Bộ trưởng được tham gia nội các theo một sắc lệnh của Hoàng tử Kiril gồm Giáo sư Dimitri Ganev (cựu thành viên của Đảng Cấp tiến) Tsvyatko Boboshevski (Đảng Nhân dân) và Todor Pavlov (BRP(k)).[23]

Bia tưởng niệm khởi nghĩa ngày 9 tháng 9 tại Bankya.

Ngày 7 tháng 9, Hơn 2.000 công nhân đường sắt và thợ mỏ ở Pernik, cách Sofia 30 km về phía Tây đã đình công. chính quyền thân Đức tại đây đã điều đội hiến binh đến đàn áp, bắn chết 6 công nhân và làm bị thương 13 người. Ngày 8 tháng 9, Liên đoàn 1 du kích Bulgaria đã điều Lữ đoàn 4 mang tên "Cách mạng Sofia" đến yểm hộ cho những người khởi nghĩa, nhanh chóng tiêu diệt Tiểu đoàn hiến binh 3 Sofia. Tại Plovdiv và Gabrovo, những người biểu tình và quân du kích của các liên đoàn 2 và 8 đã đánh chiếm tòa thị chính, sở điện báo, nhà ga. Tại các tỉnh Pleven, Varna, Sliven, quân của các liên đoàn du kích 10 và 11 đã phá vỡ các nhà tù, giải thoát hàng nghìn tù nhân. Cuộc khởi nghĩa tại Khaskovo đã biến thành một cuộc đụng độ vũ trang nghiêm trọng. Viên chỉ huy Trung đoàn pháo binh 2 Bulgaria đã chỉ huy quân của mình dùng vũ khí chống lại Liên đoàn 7 du kích Bulgaria. Đến ngày 12 tháng 9, Liên đoàn 7 với sự trợ giúp của Lữ đoàn "Georgi Dimitrov" số 2 thuộc Liên đoàn 5 mới chiếm được pháo đài Khaskovo. 7 sĩ quan pháo binh Bulgaria chỉ huy trung đoàn này đã bị xử bắn. Ngày 10 tháng 9, bộ máy cảnh sát Bulgaria trên toàn quốc bị giải tán. Chính phủ Kimon Georgyev giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trận tự ở Sofia và các tỉnh cho lực lượng dân quân cận vệ, được tuyển chọn từ các liên đoàn du kích. Các trại tập trung tại Gonda, Enikyoy, Lebane và một số tỉnh bị giải thể. 8.130 tù chính trị được giải phóng.[24]

Ngày 9 tháng 9, Bộ dân ủy Ngoại giao Liên Xô ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh với Bulgary sau 5 ngày tuyên chiến. Tuyên bố có đoạn viết:

"Do Chính phủ Bulgaria đã cắt đứt tất cả mối quan hệ với Đức, tuyên bố chiến tranh với Đức và mong muốn ngừng bắn để lập lại hoàn binh, từ 22 giờ ngày 9 tháng 9, quân đội Liên Xô sẽ ngừng mọi hành động quân sự chống lại Bulgaria"
— Thay mặt Bộ dân ủy Ngoại giao: V. M. Molotov[23]

Ngày 10 tháng 9, Moskva bắn 20 loạt pháo hoa từ 224 khẩu đại bác chúc mừng thắng lợi của Phương diện quân Ukraina 3 và chúc mừng các lực lượng dân chủ chống phát xít đã giải phóng đất nước Bulgaria.

Bắt giữ phái bộ quân sự Đức Quốc xã tại Bulgaria

Sau cuộc khởi nghĩa, mặc dù Chính phủ của thủ tướng Kimon Georgyev đã cơ bản kiểm soát được tình hình nhưng an ninh trong đất nước Bulgaria vẫn chưa được bảo đảm. Các phần tử thân phát xít ở Bulgaria mặc dù bị thất bại nhưng vẫn tiến hành nhiều hoạt động phá hoại. Từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 9 đã xảy ra 34 vụ ám sát nhằm vào các sĩ quan và binh sĩ Liên Xô, 3 đoàn tàu hỏa bị làm trật đường ray. Một số đoàn tàu quân sự quan trọng đang vận chuyển Tập đoàn quân 46 sang hướng Vidin bị đứt toa. Một số kho lương thực và cỏ khô dự trữ cho kỵ binh bị những kẻ lạ mặt đốt cháy. Do bộ máy an ninh của chính phủ mới chưa được thiết lập hoàn chỉnh nên không có cơ quan nào đứng ra điều tra các vụ ám sát và "tai nạn" kể trên. Ngày 14 tháng 9, Nguyên soái F. I. Tolbukhin cử đại tá Ivan Vinarov, Cục trưởng cục tình báo quân sự của phương diện quân đến Sofia để tìm hiểu tình hình. Thượng tướng S. S. Biryuzov, tham mưu trưởng phương diện quân cũng được cử đến Sofia để chỉ đạo phối hợp hành động giữa quân đội Bulgaria và quân đội Liên Xô trong các chiến dịch sắp tới. Khi Ivan Vinarov và S. S. Biryuzov vừa đến Sofia thì có điện hỏa tốc của Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô yêu cầu phải truy lùng ngay cơ quan sứ quán Đức Quốc xã và phái bộ quân sự Đức ở Sofia vì có rất nhiều khả năng người Đức vẫn đang dùng bộ máy đó để chỉ đạo các hoạt động phá hoại ngầm ở Bulgaria. Ivan Vinarov cho S. S. Biryuzov biết cả cơ quan sứ quán Đức Quốc xã và phái bộ quân sự Đức ở Sofia đã biến mất một cách bí ẩn.[25]

Chiều 14 tháng 9, cơ quan chính trị Phương diện quân Ukraina 3 và các đội "SMERSH" trực thuộc Cục tình báo quân sự phương diện quân được lệnh tung hết lực lượng để truy bắt cơ quan sứ quán Đức Quốc xã và phái bộ quân sự Đức. Các trinh sát của Cục tình báo quân sự dưới sự chỉ đạo của tướng I. S. Anoshin, chủ nhiệm chính trị Phương diện quân đã nắm được tin tức về việc một số quan chức của chính phủ Kimon Georgyev, trong đó có tướng Damian Velchev đã giúp đỡ cho người Đức chạy trốn khỏi Sofia. Những người này đã thu xếp một đoàn tàu hỏa gồm các toa salon để cơ quan sứ quán Đức Quốc xã và phải bộ quân sự Đức sử dụng. Tuy nhiên, không ai biết đoàn tàu này đi về hướng nào. Sáng 15 tháng 9, tướng S. S. Biryuzov ra lệnh cho thượng tướng V. A. Sudet, Tư lệnh tập đoàn quân không quân 17 điều động 5 máy bay cường kích IL-2 và 3 máy bay trinh sát Po-2 do đại tá Boris Smirnov chỉ huy chở các sĩ quan "SMERSH" từ sân bay Sofia tỏa đi các hướng để tìm kiếm đoàn tàu hỏa đặc biệt này. Các đội cận vệ nhân dân (công an) tại các nhà ga đầu mối trên khắp đất nước Bulgary đều nhận được lệnh phải chặn đoàn tàu này lại tại bất cứ nhà ga nào mà họ phát hiện thấy.[26]

Chiều 15 tháng 9, tổ bay trên máy bay Po-2 của đại úy N. V. Kozlov phát hiện một đầu tàu và hai toa xe bỏ lại tại ga xép Malevo gần thị trấn Khaskovo. Những nhân viên đường sắt ở đây cho biết những người Đức đã dùng vũ lực cưỡng đoạt một đầu máy hơi nước để thay cho đầu máy bị hỏng và bỏ lại hai toa xe để chạy nhanh hơn về phía biên giới Bulgaria - Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay lập tức, tướng S. S. Biryuzov triệu tập ngay trung tá I. Z. Kotenkov, phó chủ nhiệm trinh sát phương diện quân, ra lệnh triệu tập ngay một đội hành động gồm 25 trinh sát dùng máy bay Li-2 bay tới thị trấn Svilengrad ngay sát biên giới. Các trinh sát Liên Xô đổ bộ xuống sân bay Svilengrad và phóng ngay đến nhà ga. Tại đây, viên trưởng ga cho biết những người Đức đến đây từ một tuần trước nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho đoàn người Đức. Vì số lương thực đem theo đã gần cạn nên họ đã cho tàu chạy đi về phía biên giới Bulgaria - Hy Lạp. Trung tá I. Z. Kotenkov yêu cầu trưởng ga cấp ngay một đầu tàu chạy tốt và một toa xe nhẹ để đuổi theo đoàn tàu Đức. Ông cũng đề nghị viên chỉ huy cảnh sát vùng Khaskovo dùng hệ thống thông tin đường sắt để yêu cầu chặn đoàn tàu Đức tại nhà ga gần nhất. 15 giờ ngày 15 tháng 9, đoàn tàu Đức bị chặn lại tại nhà ga Rakovsky. Toàn bộ 32 nhân viên quân sự và ngoại giao Đức bị bắt giữ, trong đó có đại sư Von Bekechler và đại tá tùy viên quân sự Von Schuliden. Khám xét đoàn tàu, ngoài vũ khí bộ binh, các trinh sát Liên Xô còn thu được 6.000.000 Leva (tiền Bulgaria), 1.100 bảng Anh, 50 kg vàng và nhiều bảo vật, hiện vật bảo tàng đều là tài sản quốc gia của Bulgaria. Chính phủ Kimon Georgyev phê chuẩn lệnh bắt giữ các nhân viên ngoại giao Đức với tội danh ăn cắp tài sản quốc gia của Bulgaria, họ bị quân đội Liên Xô giao cho cơ quan an ninh Bulgaria xử lý. Các nhân viên quân sự Đức bị quân đội Liên Xô coi là tù binh chiến tranh và bị giải về Dobrich.[13]

Trên chuyến tàu này còn có một số nhân viên ngoại giao của chính quyền Mussolini hiện không còn tư cách đại diện ngoại giao cho Ý và hai nhân viên ngoại giao Thụy Điển. Những người Thụy Điển được đối xử theo đúng công pháp quốc tế về quyền ưu đãi miễn trừ đối với thân phận ngoại giao và được Liên Xô đưa về Thụy Điển. Riêng các "nhà ngoại giao" của Mussolini bị giao cho quân Anh ở Bary. Sau vụ bắt giữ này, bộ máy gián điệp và phá hoại ngầm của quân Đức ở Bulgaria lần lượt bị bóc gỡ. Ngày 26 tháng 9, Đại bản doanh gửi điện cho tư lệnh Phương diện quân Ukraina 3:

Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao cấm tiến hành các vụ bắt bớ ở Bulgaria. Từ nay, nếu không được phép của Đại bản doanh thì không dược bắt giữ một ai
— Thừa ủy quyền Tổng tư lệnh tối cao: A. I. Antonov - S. M. Stemenko[27]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_giải_phóng_Bulgaria http://rdsc.md.government.bg/BG/About/VoennaIstori... http://www.znam.bg/com/action/showBook?bookID=940&... http://decommunization.org/Communism/Bulgaria/1944... http://militera.lib.ru/h/chernomorskiy_flot/17.htm... http://militera.lib.ru/h/samsonov2/18.html http://militera.lib.ru/memo/other/panchevsky_p/05.... http://militera.lib.ru/memo/russian/anoshin_is/03.... http://militera.lib.ru/memo/russian/anoshin_is/04.... http://militera.lib.ru/memo/russian/berezhkov_vm/0... http://militera.lib.ru/memo/russian/bologov_fp/07....